Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia “Tiến bộ trong xạ trị ung thư”
Ngày 27/11, Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Hội thảo quốc gia “Tiến bộ trong xạ trị ung thư”. Tham dự chương trình có GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện; PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K; ThS. Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện, đặc biệt là sự quan tâm tham dự của gần 500 nhà khoa học trên khắp mọi miền của tổ quốc và các chuyên gia quốc tế cùng đông đảo đội ngũ cán bộ y tế.
Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sỹ, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ tích cực từ xã hội, cộng đồng.
Xạ trị là một trong 3 phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại theo ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp khoảng xấp xỉ 50%.
Phát biểu trong Hội nghị, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ “Đây cũng là Hội thảo Quốc gia đầu tiên về chuyên ngành xạ trị nhằm kết nối cán bộ y tế làm công tác xạ trị trong cả nước và các chuyên gia quốc tế về hội tụ nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về xạ trị của thế giới với hy vọng góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn, tạo sự đoàn kết, tìm tiếng nói chung cho chuyên ngành xạ trị ung thư để đóng góp phần nhiều hơn nữa trong công tác phòng chống ung thư.”
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ “Từ cơ sở đầu tiên là Viện Curie Đông Dương (tiền thân của Bệnh viện K) được thành lập năm 1923, nơi nhà bác học Marie Curie từng đặt chân tới và mang những ống radium đầu tiên đặt tại nơi đây làm cơ sở điều trị phóng xạ ở Đông Dương. Đến nay, trên cả nước đã có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị với tổng số 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như: Xạ trị theo hình khối u (3D-CRT); xạ trị điều biến liều (IMRT); xạ trị hướng dẫn ảnh (IGRT); xạ trị điều biến theo thể tích hình cung (VMAT); xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở (ABC), Gamma knife … Triển khai phối hợp điều trị đa phương thức nhất là hóa xạ trị kết hợp trong nhiều loại bệnh ung thư với mục đích bảo tồn cơ quan, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh đồng thời tăng kiểm soát bệnh cũng như thời gian sống thêm sau điều trị. Cùng với trang thiết bị, đội ngũ nhân lực cũng ngày càng lớn mạnh và chuyên sâu, chuyên nghiệp với 226 Bác sĩ xạ trị, 156 Kỹ sư vật lý xạ trị và 266 Kỹ thuật viên vận hành máy xạ trị trên cả nước đã cho thấy sự phát triển không ngừng của chuyên ngành xạ trị Việt Nam. Rất nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã viết nên từ các bệnh viện, trung tâm, khoa Ung bướu trên cả nước.
Thứ trưởng đánh giá cao Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện K đã có sáng kiến và phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo ý nghĩa này nhằm mục tiêu đưa ra đường lối và chiến lược phòng chống ung thư đồng thời tạo cơ hội học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực xạ trị ung thư: Cập nhật những tiến bộ về xạ trị ung thư, hóa xạ trị đồng thời, kiểm soát chất lượng công tác xạ trị, triển vọng và định hướng phát triển chuyên ngành xạ trị trong tương lai.”
Thứ trưởng cũng đề nghị một số nội dung để Hội Ung thư Việt Nam, bệnh viện K và các bệnh viện, Trường, Viện tham dự hội thảo quan tâm bàn luận về định hướng phát triển công tác xạ trị trong thời gian tới:
Một là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo nên các diễn đàn, đoàn kết, thống nhất về các quan điểm, phương pháp xạ trị nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân. Kết nối giữa các khoa Xạ trong các bệnh viện cũng như phối kết hợp với các trung tâm, khoa, bộ phận xạ trị của các bệnh viện, trung tâm, khoa xạ trong cả nước.
Hai là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam hoàn thiện chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chuẩn hóa các phác đồ điều trị chuyên ngành ung thư, đặc biệt là lĩnh vực Xạ trị cho các đối tượng BS, Kỹ sư, KTV. Cần tích cực bám sát, theo sự hướng dẫn của Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế. Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo đã được nâng cấp, cần tranh thủ tận dụng cơ hội này để tổ chức các hội thảo khoa học, các khóa đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng.
Ba là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều bệnh viện, tổ chức, hội chuyên khoa và Trung tâm ung bướu quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong xạ trị, nâng cao chất lượng chuyên môn cho khối Xạ, ngoài ra còn nâng cấp các trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác điều trị, như hệ thống Proton, Ion nặng.
Hội thảo nhấn mạnh nội dung các chuyên đề về cập nhật những tiến bộ về xạ trị ung thư, hóa xạ trị đồng thời, kiểm soát chất lượng công tác xạ trị, triển vọng và định hướng phát triển chuyên ngành xạ trị trong tương lai. Trước đó trong khuôn khổ các chương trình Hội thảo, ngày 26/11, Bệnh viện đã tổ chức các chương trình đào tạo liên tục theo các chuyên đề: “Thực hành lập kế hoạch xạ trị Monaco dành cho bác sỹ xạ trị” về xạ trị ung thư vòm và ung thư hạ họng thanh quản; Quy trình và nguyên tắc lập kế hoạch xạ trị u nguyên bào thần kinh đệm đa hình. Chuyên đề tiếp theo “Thực hành lập kế hoạch xạ trên hệ thống Manaco cho kỹ thuật viên và kỹ sư vật lý”.
Sau chương trình khai mạc, Bệnh viện sẽ tổ chức 03 phiên: Phiên 1 “Điều trị ung thư đầu cổ và hệ thần kinh trung ương”; Phiên 2: Phiên tổng hợp; Phiên 3 “Điều trị ung thư đầu cổ và ung thư trẻ em”.
Trong các phiên sẽ lần lượt trao đổi về các nội dung: Xạ trị tại Việt Nam và định hướng phát triển của xạ trị tại Bệnh viện K; Các tiến bộ trong xạ trị ung thư vòm mũi họng; Vai trò của xạ trị trong điều trị giảm nhẹ bệnh nhân ung thư; ELEKTA UNITY – Giải pháp kết hợp máy MRI và gia tốc, thiết lập tiêu chuẩn mới cho xạ trị; Xạ trị Proton - Tiến bộ trong xạ trị ung thư; Kỹ thuật in 3D và xạ trị áp sát liều thấp đối với ung thư vùng đầu cổ tái phát; Hóa xạ trị đồng thời u nguyên bào thần kinh đệm đa hình; Đảm bảo và kiểm soát chất lượng trong IMRT; Hóa xạ trị đồng thời ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III không phẫu thuật tại Bệnh viện K; Hóa xạ trị đồng thời và cập nhật tiến bộ trong ung thư cổ tử cung; Vai trò ADT kết hợp xạ trị trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt; Xạ phẫu di căn não đa ổ; Xạ trị có gây mê trong ung thư trẻ em .......
“Hội thảo sẽ là diễn đàn quan trọng để các đồng nghiệp trong nước cùng các chuyên gia quốc tế cùng bàn luận được một bức tranh đầy đủ hơn về lĩnh vực xạ trị ung thư và đạt được mục tiêu quan trọng nhất là định hướng đường lối và chiến lược phát triển lĩnh vực xạ trị Ung thư tại Việt Nam.” – GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.